Ngày đăng bài: 17/11/2023 15:52
Lượt xem: 954
Trường đại học đầu tiên có công bố chính thức về Khung năng lực Tài nguyên Giáo dục Mở cho giảng viên

 

NTTU – Ngày 16/11/2023, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã tổ chức Lễ công bố Khung năng lực Tài nguyên Giáo dục Mở cho giảng viên. Đây là hoạt động sẽ góp phần hỗ trợ các trường đại học trong việc xây dựng và hoàn thiện các khung chương trình đào tạo và kế hoạch đào tạo. Bên cạnh đó, Tài nguyên Giáo dục mở sẽ hỗ trợ các trường đại học trong việc đề ra và cải thiện chính sách, chiến lược giáo dục ngày càng tốt hơn. Các trường đại học sẽ nắm bắt được nhiều hơn nhu cầu của người học, những đóng góp của đội ngũ giảng viên, các nhà nghiên cứu để đưa ra những kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục tốt hơn trong tương lai.

Tham dự chương trình về phía đại diện khách mời có: TS. Đào Thiện Quốc – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục mở; Chuyên gia Lê Trung Nghĩa – Viện phó viện nghiên cứu và phát triển tài nguyên giáo dục mở; TS. Nguyễn Tấn Đại – Phụ trách Trung tâm Công nghệ giáo dục Pháp ngữ (CNF) TP. HCM; Nhà báo Ngô Xuân Lộc – Phó Tổng biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài GònÔng Trần Mạnh Hùng – Chánh văn phòng Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn.

Ngoài ra, buổi lễ còn có sự tham dự của các đại biểu tham gia bằng hình thức trực tuyến qua nền tảng ứng dụng Zoom.

Về phía Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có Tiến sĩ Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường; Tiến sĩ Nguyễn Lan Phương –  Phó hiệu trưởng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Hồng – Phó hiệu trưởng; Tiến sĩ Hoàng Hữu Dũng – Phó hiệu trưởng cùng các Thầy/cô là trưởng khoa, trưởng đơn vị, giảng viên và các bạn sinh viên của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành.

Tại lễ công bố, TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhấn mạnh rằng: “Việc xây dựng khung năng lực tài nguyên giáo dục mở cho giảng viên  của Nhà trường, cũng như triển khai các lớp tập huấn về tài nguyên giáo dục mở góp phần hiện thực hóa các năng lực cơ bản như làm quen, tìm kiếm, sử dụng, tạo lập và chia sẻ tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho học tập, giảng dạy và nghiên cứu, đặc biệt là kỹ năng học tập suốt đời.

TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc tại chương trình

Khi sử dụng tài nguyên giáo dục mở, cán bộ, giảng viên và sinh viên có những lợi ích: Đây là nguồn tài nguyên học tập có chất lượng cao và dễ dàng cập nhật, chính sửa; Cơ hội ứng dụng kiến thức đã học trên phạm vị rộng hơn giới hạn của khóa học; Hỗ trợ tự học, tự nghiên cứu cũng như các hình thức học nhóm, cộng tác với nhau. Với sự thay đổi không ngừng, phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, năng lực tài nguyên giáo dục mở giúp cho giảng viên, sinh viên chủ động tiếp cận và cập nhật kiến thức để theo kịp sự phát triển.

Ngoài ra, TS. Trần Ái Cầm cũng cho biết thêm bên cạnh chú trọng trình độ chuyên môn, kiến thức chuyên ngành cho người học, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chủ động trang bị các năng lực cần thiết cho người học để thích ứng với sự phát triển và thay đổi của môi trường xã hội. Việc xây dựng khung năng lực tài nguyên giáo dục mở cho giảng viên  cũng như triển khai các lớp tập huấn về tài nguyên giáo dục mở góp phần hiện thực hóa các năng lực cơ bản như làm quen, tìm kiếm, sử dụng, tạo lập và chia sẻ tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho học tập, giảng dạy và nghiên cứu, đặc biệt là kỹ năng học tập suốt đời.

TS. Đào Thiện Quốc – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục mở nhận định, tính đến thời điểm hiện tại, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là Trường đầu tiên ở Việt Nam ban hành khung năng lực tài nguyên giáo dục mở và đưa nội dung về tài nguyên giáo dục mở vào chương trình đào tạo dành cho sinh viên bậc đại học. Việc truy cập mở đến tài nguyên giáo dục mở sẽ góp phần hỗ trợ các trường đại học trong việc xây dựng và hoàn thiện các khung chương trình đào tạo và kế hoạch đào tạo. Quá trình khai thác và sử dụng sẽ giúp thu thập được nhiều hơn các ý kiến đóng góp, đề xuất và qua đó dần có những thay đổi phù hợp đối với các kế hoạch đào tạo. Bên cạnh đó, tài nguyên giáo dục mở sẽ hỗ trợ các trường đại học trong việc đề ra và cải thiện chính sách, chiến lược giáo dục ngày càng tốt hơn.

TS. Đào Thiện Quốc – Viện Trưởng Viện Nghiên cứu, Đào tạo và Phát triển Tài nguyên Giáo dục mở nhận định, tính đến thời điểm hiện tại, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành là Trường đầu tiên ở Việt Nam ban hành khung năng lực tài nguyên giáo dục mở và đưa nội dung về tài nguyên giáo dục mở vào chương trình đào tạo

Cũng trong khuôn khổ chương trình, những bài báo cáo đến từ các chuyên gia của các cơ sở đào tạo rất ấn tượng, xoay quanh một số vấn đề nổi bật về tài nguyên giáo dục mở như: Giới thiệu Khung năng lực tài nguyên giáo dục mở cho giảng viên; Chiến lược phát triển tài nguyên giáo dục mở của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành 2023-2030; Nghiên cứu đề xuất khung pháp lý và xây dựng nền tảng tài nguyên giáo dục mở phục vụ các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam; Chính sách và triển khai học thuật mở tại đại học RMIT; Tài nguyên giáo dục mở dưới góc nhìn sở hữu trí tuệ và tài chính.

Các chuyên gia tham gia trình bày báo cáo tại chương trình

Được biết, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã vinh dự đồng hành hỗ trợ tư vấn nghiệp vụ về thư viện và công nghệ phần mềm xây dựng kho lưu trữ dữ liệu số cho Thư viện Doanh nhân Việt Nam. Sau một thời gian dài cùng phối hợp triển khai, tính đến thời điểm hiện tại Nhà trường đã hoàn tất giải pháp công nghệ xây dựng Thư viện số cho Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn. Dựa trên những trao đổi, thỏa thuận đạt được trước đó, cũng trong buổi lễ đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn tiến hành ký kết Lễ ký kết chuyển giao công nghệ cho Thư viện Doanh nhân Việt Nam (Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn).

Đại diện Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn tiến hành nghi thức chuyển giao công nghệ cho Thư viện Doanh nhân Việt Nam (Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn)

Ngay sau nghi thức ký kết, ban tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Tài nguyên Giáo dục Mở OER cho sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm 2023” đã tổng kết và trao giải cho các bạn sinh viên đạt kết quả cao tại cuộc thi. Được biết, cuộc thi được diễn ra từ ngày 08/11 – 15/11. Cuộc thi cũng chính là cơ hội giúp sinh viên hiểu rõ được các lợi ích mà Tài nguyên Giáo dục Mở mang lại trong học tập và nghiên cứu, đồng thời khám phá được các kho tàng tri thức mở để phát triển bản thân trong tương lai, hướng đến kỹ năng học tập suốt đời.

Ban tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu Tài nguyên Giáo dục Mở OER cho sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm 2023” trao giải cho các sinh viên đạt giải

Hành trình xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở của Nhà trường không chỉ phục vụ sinh viên, giảng viên của Trường mà còn hướng đến phục vụ cho cộng đồng góp phần xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Mỗi cá nhân có năng lực tài nguyên giáo dục mở chính là góp phần xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Đó cũng là một trong những nội dung cốt lõi đạt được Mục tiêu phát triển bền vững –SDG4 của Liên hiệp quốc: “Đảm bảo giáo dục chất lượng toàn diện và công bằng và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người” được Nhà trường hướng đến”. TS. Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng Nhà trường cho biết thêm.

Tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources – OER) là “các tư liệu dạy, học và nghiên cứu trong bất kỳ phương tiện nào, dù là số hay không, nằm trong miền công cộng hoặc đã được phát hành theo một giấy phép mở cho phép những người khác truy cập, sử dụng, tuỳ biến thích nghi và phân phối lại không mất phí, không có các giới hạn hoặc có các giới hạn được hạn chế.  Tại Việt Nam, Chương trình xây dựng mô hình nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học giai đoạn 2023 – 2026 và hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu xây dựng mô hình về phát triển, chia sẻ, khai thác, sử dụng tài nguyên giáo dục mở trong giáo dục đại học, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, giảng dạy và học tập, đáp ứng nhu cầu của người học để được cấp bằng và nhu cầu học tập suốt đời.

Nguồn bài viết: https://ntt.edu.vn/truong-dai-hoc-dau-tien-co-cong-bo-chinh-thuc-ve-khung-nang-luc-tai-nguyen-giao-duc-mo-cho-giang-vien/

Tin: Cẩm Thạch

Ảnh: Media