Ngày đăng bài: 28/10/2024 10:53
Lượt xem: 1017
Chuyển đổi xanh: Thư viện vì sự phát triển bền vững

Prasanth M. và Vasudevan T. M.

Giới thiệu

Thiên nhiên tươi đẹp của chúng ta liên tục bị suy thoái bởi con người với các vấn đề như sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Diện tích sông băng bị thu hẹp, băng tan và biên độ nhiệt lớn là bằng chứng cho thấy có điều gì đó đang xảy ra với khí hậu của chúng ta. Các thư viện thường không được chúng ta suy xét khi nghĩ đến các vấn đề như sự nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Nhưng các dịch vụ của thư viện lại tiêu thụ rất nhiều năng lượng và điều đó cũng góp phần gây ra các vấn đề về môi trường. Một môi trường tự nhiên lành mạnh là cần thiết cho sự tồn tại và chất lượng cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, đã đến lúc người làm thư viện đóng một vai trò quan trọng trong việc cải thiện môi trường. Chúng ta có thể thiết kế thư viện xanh bằng cách lựa chọn địa điểm thích hợp để xây dựng thư viện, sử dụng vật liệu tự nhiên và các sản phẩm phân hủy sinh học để xây dựng, bảo tồn tài nguyên như nước, năng lượng, giấy... và có trách nhiệm trong việc tái chế các vật liệu phế thải. Vì vậy, khái niệm thư viện xanh hiện trở nên phổ biến và thông qua việc thiết kế thư viện xanh phù hợp, chúng ta có thể giảm tác động có hại đến môi trường và giúp cải thiện môi trường bên trong thư viện.

Từ điển trực tuyến về Thư viện và Khoa học thông tin (ODLIS) định nghĩa thư viện xanh/ bền vững là “Thư viện được thiết kế để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và tối đa hóa chất lượng môi trường bên trong bằng cách cẩn thận lựa chọn địa điểm, sử dụng vật liệu xây dựng tự nhiên và các sản phẩm phân hủy sinh học, bảo tồn các nguồn tài nguyên như nước, năng lượng, giấy và các chất thải đã được tái chế xử lý một cách có trách nhiệm"... Vì vậy, chúng ta có thể xây dựng một tòa nhà thư viện mới theo các nguyên tắc thư viện xanh hoặc cải tạo tòa nhà thư viện hiện có, cung cấp các dịch vụ và cơ sở vật chất, áp dụng các thực hành bền vững và bảo vệ môi trường trong thư viện.

Yếu tố cần cho các thư viện xanh

Tất cả các tòa nhà đều sử dụng các nguồn lực như đất đai, năng lượng, nước và vật liệu để đáp ứng các nhu cầu chức năng của một không gian. Do đó, xây dựng một công trình không gây ảnh hưởng đến môi trường là điều bất khả thi. Một tòa nhà xanh là một tòa nhà tiết kiệm tài nguyên và đáp ứng các yêu cầu chức năng của không gian với tác động tiêu cực tối thiểu đến môi trường trong thời gian dài nhất có thể.

Khả năng chi trả

Hiện nay, chi phí xây dựng thư viện xanh đã trở nên khả thi để có thể xây mới hoặc cải tạo tòa nhà hiện có trong phạm vi ngân sách.

Cam kết với xã hội

Thư viện là một tổ chức cộng đồng, có trách nhiệm đối với xã hội trong việc giảm thiểu tác động có hại đến môi trường.

Bảo tồn năng lượng

Hầu hết các nguồn năng lượng là hữu hạn và trách nhiệm của chúng ta là sử dụng những nguồn này một cách thận trọng cho thế hệ của chúng ta và các thế hệ tương lai.

Giảm lượng cacbon

Việc xanh hóa các thư viện làm giảm lượng khí thải cacbon trong tòa nhà thư viện của chúng ta. Thuật ngữ lượng khí thải cacbon được định nghĩa là "tổng lượng khí nhà kính được tạo ra để hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp cho các hoạt động của con người, thường được biểu thị bằng tấn cacbon đioxit (CO2) tương đương".

Các lợi ích kinh tế

Chúng ta sẽ thu được lợi ích kinh tế bằng cách sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu quả, tái chế chất thải và tái sử dụng nước,…

Bảo tồn nước

Giảm sử dụng nước sinh hoạt bằng cách xem xét các nguồn nước thay thế tại chỗ (ví dụ như nước mưa và nước ngưng tụ của máy điều hòa không khí) để sử dụng cho mục đích sinh hoạt và xả nước trong nhà vệ sinh, trồng các thực vật bản địa và dễ thích nghi để giảm nhu cầu nước tưới.

Tiêu chuẩn cho thư viện xanh

Hội đồng Công trình xanh Ấn Độ (Indian Green Building Council - IGBC)

Hội đồng Công trình xanh Ấn Độ được thành lập vào năm 2001 nhằm quảng bá và xếp hạng các công trình xanh ở Ấn Độ. Có khoảng 2.190 tòa nhà đã được đăng ký, 398 tòa nhà được xếp hạng cùng với 1.082 chuyên gia tổng hợp làm việc tại IGBC.

Thiết kế đạt chuẩn hàng đầu về năng lượng và môi trường (LEED-Ấn Độ)

Chứng nhận LEED (Leadership in Energy and Environment Design) là tiêu chuẩn được công nhận rộng rãi nhất về thiết kế tòa nhà thân thiện với môi trường. Hệ thống đánh giá công trình xanh hàng đầu trong thiết kế năng lượng và môi trường (LEED - Ấn Độ) là tiêu chuẩn được quốc gia và quốc tế chấp nhận để thiết kế, xây dựng và vận hành các công trình xanh đạt hiệu suất cao. Có bốn cấp độ chứng nhận (được chứng nhận, bạc, vàng, bạch kim) được trao theo thành tích qua đánh giá bằng điểm số trên thẻ điểm LEED.

Điểm

Xếp hạng

25 – 40

Được chứng nhận

41 – 50

Bạc

51 – 60

Vàng

61 – 80

Bạch kim

Xếp hạng xanh cho Đánh giá môi trường sống tích hợp

Tại Ấn Độ, Viện Năng lượng và Tài nguyên Ấn Độ (The Energy and Resources Institute - TERI) chịu trách nhiệm phát triển một công cụ gọi là GRIHA (Green Rating for Integrated Habitat Assessment) để đo lường và đánh giá hiệu suất môi trường của một tòa nhà trong điều kiện khí hậu và thực tiễn xây dựng khác nhau. GRIHA đã được Chính phủ Ấn Độ điều chỉnh để thành hệ thống xếp hạng của quốc gia. TERI đã xây dựng trụ sở ở Gurgaon, Bangalore và Mukteshwar với mục tiêu sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả thông qua việc thực hiện bền vững các thực hành xanh.

Sáng kiến thư viện xanh ở cấp quốc gia và quốc tế

Sáng kiến thư viện xanh ở Ấn Độ

Thư viện Anna Centenary là một thư viện xanh kiểu mẫu ở Ấn Độ. Đây là tòa nhà thư viện Châu Á đầu tiên được xếp hạng Vàng theo tiêu chuẩn LEED. Tòa nhà này có thể tiêu thụ ít hơn 30% năng lượng và 20% lượng nước sinh hoạt mà không ảnh hưởng đến điều kiện và sự thoải mái của cư dân trong tòa nhà. Ý tưởng xây dựng Thư viện được bắt đầu với tầm nhìn trở thành một thư viện đô thị được quốc tế công nhận, được biết đến với sự nổi trội trong học tập, nghiên cứu đổi mới và sự tham gia của cộng đồng trong việc góp phần vào phát triển kinh tế, tính bền vững môi trường và chất lượng cuộc sống ở khu vực Chennai và hơn thế nữa.

Bên cạnh thư viện Anna Centenary, một số thư viện khác đã thực hiện các sáng kiến thư viện xanh đáng ghi nhận ở Ấn Độ, đó là:

a. Thư viện Permakarpo, Ladakh trên dãy Himalaya, Ấn Độ.

b. Thư viện Quốc gia Ấn Độ, Kolkata.

c. Thư viện NIT, Silchar.

Ngoài ra, các sáng kiến và giải pháp xanh đã được Đại học Madras, Đại học Calcutta, Đại học Delhi và hệ thống thư viện của Đại học Mumbai thực hiện.

Sáng kiến thư viện xanh ở cấp độ quốc tế

Thư viện Quốc gia Singapore được mệnh danh là tòa nhà xanh nhất hành tinh, do kiến trúc sư Ken Yeang thiết kế. Thư viện mở cửa phục vụ vào tháng 7/2005, được thiết kế bằng cách sử dụng các kệ sáng cho phép ánh sáng được lọc vào thư viện mà không có bất kỳ tác động tiêu cực nào. Một ví dụ khác là Thư viện trung tâm Seattle do Rem Kodhars thiết kế, mở cửa vào năm 2004, sử dụng kính tráng men ba lớp để giảm hiện tượng tích tụ nhiệt. Bảo tàng Trẻ em ở Pittsburgh đã trải qua quá trình mở rộng và cải tạo vào năm 2004, sử dụng các kỹ thuật bền vững và các nguyên tắc hướng dẫn, nhờ đó đạt được chứng nhận Bạc của LEED - là một trong những bảo tàng lớn nhất và là bảo tàng trẻ em đầu tiên ở Mỹ đạt được chứng nhận này.

Phương pháp Xanh hóa thư viện

Hầu hết các thư viện được xây dựng từ nhiều năm về trước, khi hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu chưa trở thành vấn đề nghiêm trọng. Xây dựng thư viện xanh là một phần của phong trào xây dựng tòa nhà bảo vệ môi trường. LEED là từ viết tắt của hệ thống đánh giá công trình xanh, một tổ chức khuyến khích áp dụng công trình xanh bền vững trên toàn cầu. Do ngân sách thư viện bị thu hẹp, thư viện có thể không xây dựng tòa nhà thư viện mới theo chứng chỉ LEED. Thay vào đó, họ có thể thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường bằng cách xem xét các tòa nhà hiện có của họ.

Vật liệu và Thiết bị

Tất cả vật liệu và thiết bị được sử dụng trong thư viện cần được lựa chọn theo hướng thực hành thư viện xanh nhằm giảm mức tiêu thụ năng lượng tổng thể. Có thể thực hiện các biện pháp sau đây để làm cho thư viện xanh:

• Hệ thống tính phí có thể có thể được thực hiện thông qua phần mềm. Tránh dùng thẻ bạn đọc vì nó được làm bằng nhựa.

• Đăng ký thẻ bạn đọc có thể được thực hiện trực tuyến. Các hồ sơ cần thiết có lẽ chỉ cần thu dưới dạng bản mềm.

• Có thể sử dụng OPAC (Mục lục tra cứu trực tuyến) thay cho mục lục phiếu.

• Cung cấp các dịch vụ trực tuyến bằng cách sử dụng công nghệ web 2.0.

• Dùng hoá đơn điện tử thay cho hoá đơn giấy.

• Tất cả các thiết bị điện trong thư viện có thể được xếp hạng ưu tiên sử dụng dựa vào số sao in trên nhãn năng lượng mới nhất để giảm tiêu thụ điện năng và giảm hóa đơn tiền điện.

• Ánh sáng trong thư viện nên được dùng theo cách tối ưu nhất, nên sử dụng ánh sáng tự nhiên trong suốt thời gian ban ngày và bố trí bên trong phù hợp để ánh sáng tự nhiên không bị cản trở.

• Nên sử dụng đèn cảm biến để chiếu sáng các khu vực chỉ có khi người dùng sử dụng.

• Sử dụng bóng đèn LED và đèn tuýp để có ánh sáng tốt hơn.

• Nên sử dụng máy tính xách tay tiêu thụ ít điện hơn máy tính để bàn.

• Thúc đẩy dịch vụ scan để sao chụp tài liệu thay vì dịch vụ phô tô thông thường nhằm giảm việc sử dụng giấy.

• Có thể thay thế các thiết bị tiêu thụ điện cũ bằng các sản phẩm có dán nhãn tiết kiệm điện hiện đại.

• Sử dụng các sản phẩm tự nhiên để bảo quản sách.

• Có thể đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên các tòa nhà thư viện để tạo và sử dụng năng lượng điện mặt trời trong thư viện.

• Có lẽ nên xây dựng các toà nhà thư viện theo cấu trúc mô-đun để năng lượng điện mặt trời và các hệ thống thảm thực vật trên mái nhà có thể được tạo ra và tận dụng thông qua các hoạt động nhóm của nhân viên thư viện . Nó cũng làm tăng mối quan hệ giữa các cá nhân và cung cấp một thông điệp tốt cho xã hội nhận thức về tính bền vững.

• Chất lượng không khí trong nhà có thể được cải thiện bằng cách trồng cây xanh bên trong.

• Tránh sử dụng điều hoà trong thư viện càng nhiều càng tốt và vì nó thải ra các chất độc hại cho thiên nhiên. Chỉ dùng điều hoà trong trường hợp không thể tránh khỏi như trong phòng thư viện số và phòng đa phương tiện.

• Khuyến khích và hướng dẫn người dùng thư viện sử dụng OPAC.

• Người làm thư viện và người dùng thư viện có thể sử dụng bút viết được làm từ giấy tái chế.

Năng lượng

Sử dụng năng lượng hiệu quả được coi là tiêu chí chính trong việc trở thành thư viện xanh. Năng lượng có thể được sản xuất từ các nguồn năng lượng mặt trời, thủy điện và gió. Sử dụng hệ thống năng lượng tái tạo hiệu quả có thể đạt được hiệu suất về chi phí, giảm khí thải nhà kính và giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng thông thường. Các thư viện có thể tiết kiệm rất nhiều năng lượng bằng cách thực hiện theo các biện pháp sau:

• Chỉ sử dụng các phụ kiện điện và thiết bị điện tử có nhãn tiết kiệm năng lượng trong thư viện.

• Sử dụng kính trong thi công và xây dựng tòa nhà thư viện để ánh sáng tự nhiên được tận dụng tối đa, qua đó tiết kiệm năng lượng.

• Sử dụng năng lượng mặt trời nhằm tiết kiệm tiền điện.

• Có thể sử dụng cảm biến chuyển động và ánh sáng, bộ hẹn giờ và bộ điều chỉnh độ sáng tiết kiệm năng lượng để giúp giảm năng lượng tiêu thụ.

• Cải tạo tòa nhà thư viện hiện hữu theo chứng chỉ LEED dựa trên các chỉ dẫn của LEED dành cho các tòa nhà hiện hữu.

• Hướng dẫn người sử dụng thư viện và người làm thư viện cách sử dụng năng lượng hiệu quả.

• Tối ưu hóa việc sử dụng ánh sáng tự nhiên để tiết kiệm năng lượng.

• Thiết kế hệ thống thông gió thích hợp, hệ thống kiểm soát khí hậu và nhiệt độ, phụ kiện chiếu sáng tiết kiệm năng lượng và hệ thống sưởi cũng như hệ thống làm mát thụ động có thể tiết kiệm năng lượng.

Quản lý chất thải

Quản lý chất thải đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển thư viện bền vững. Sửa chữa, tái chế và tái sử dụng là ba nguyên tắc cần tuân thủ để làm cho thư viện xanh. Bảo quản hợp lý chất thải bằng cách hợp tác với các bộ phận khác của các cơ quan chủ quản giúp thư viện tuân theo các nguyên tắc xanh. Người làm thư viện có thể thực hiện các biện pháp sau đây để đảm bảo quản lý chất thải thích hợp:

• Tái sử dụng và tái chế nước, giấy...

• Tái chế máy tính và mua hộp mực in tái chế cũng như các vật tư khác.

• Loại bỏ chất thải bằng cách ủ phân hữu cơ và ngừng sử dụng túi nhựa.

• Thay vì vứt bỏ, có thể bán những cuốn sách không còn phù hợp cho những người bán sách đã qua sử dụng, trao đổi tài liệu hoặc tặng thư viện khác.

• Đồ đạc cũ có thể được gửi đến các phòng ban cần thiết khác hoặc được tái chế và sử dụng lại.

Khuyến nghị

Trên cơ sở xem xét sự khác biệt của các bộ phận trong thư viện và dựa trên các nguyên tắc thư viện xanh, khuyến nghị sau đây được đưa ra nhằm giúp tất cả các thư viện trở thành thư viện xanh và bảo vệ môi trường của chúng ta, từ đó phát triển các thư viện một cách bền vững:

• Chính phủ hoặc các nhà quản lý nên xem xét việc áp dụng các nguyên tắc về tính bền vững cho các tòa nhà. Tổ chức các dịch vụ và hoạt động thực tiễn nhằm giảm tác động tiêu cực đến môi trường của khu vực tòa nhà thư viện đặt trụ sở.

• Lan tỏa nhận thức, phổ biến và quảng bá các hoạt động xanh của thư viện thông qua các chương trình khác nhau cũng như thông qua các phương tiện truyền thông xã hội hoặc các phương pháp khác một cách thường xuyên.

• Dạy sinh viên khoa thư viện - thông tin về các hoạt động thư viện xanh để các thư viện thế hệ mới sẽ thích ứng với những ý tưởng này.

• UGC (Ủy ban tài trợ đại học)/ Các cơ quan phê duyệt nên bắt buộc tất cả các tổ chức phải có sự đồng thuận sử dụng thư viện xanh và các tòa nhà xanh.

• Khuyến khích làm vườn hữu cơ trên mái để giảm sự nóng lên của các tòa nhà thư viện cũng như tăng cường phát triển kỹ năng làm việc nhóm và nâng cao tinh thần của nhân viên.

• Khuyến khích các dịch vụ bổ sung tài liệu một cách bền vững như sách điện tử, tạp chí điện tử để giảm tiêu thụ giấy.

• Các khái niệm tái sử dụng và tái chế cần được khuyến khích và áp dụng trên thực tiễn.

• Chính phủ nên thực hiện các bước để thúc đẩy thư viện xanh thông qua các giải thưởng và hỗ trợ tài chính để duy trì các thư viện như vậy.

• UGC nên tổ chức các hội nghị, hội thảo về các khái niệm thư viện xanh và hỗ trợ tài chính cho các tổ chức để thực hiện các chương trình về thực hành thư viện xanh.

Kết luận

"Xanh" vốn đã là bản chất của thư viện vì đây chính là nơi để tài nguyên được chia sẻ tới cộng đồng. Các thư viện có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động bền vững. Người làm thư viện nên đóng vai trò như những hình mẫu cho tính bền vững bằng cách cung cấp thông tin phù hợp và liên quan đến các vấn đề và mối quan tâm xanh. Bước đầu tiên là đưa ra một kế hoạch kết hợp các chính sách và hoạt động xanh. Cuối cùng, kế hoạch này có thể được đưa vào sứ mệnh, tầm nhìn hoặc kế hoạch chiến lược của thư viện. Khuyến khích sự tham gia của người làm thư viện và người sử dụng thư viện vào việc phát triển các sáng kiến xanh. Có thể triển khai một chương trình quảng bá nhằm nâng cao nhận thức về sáng kiến xanh cho thư viện. Những điều này có thể nâng cao nhận thức về các vấn đề và sáng kiến “chuyển đổi xanh”. Do đó, người làm thư viện có thể đóng vai trò như một hình mẫu cho sự bền vững và đi đầu bằng cách nêu gương và làm cho môi trường của chúng ta trở thành một nơi đáng sống hơn.

[1] Prasanth M. - Khoa Thư viện - Thông tin, Đại học Calicut, Ấn Độ

[2] Vasudevan T.M. - Đại học Calicut, Ấn Độ

Tài liệu tham khảo

  1. Dalbehera, Sanghamitra (2015). Greening the libraries for sustainable development: a case study of Technical University libraries in Odisha. In 60th ILA International Conference on Embedded Librarianship and Technological Challenges of the Digital Age, 2015. [Conference Paper].
  2. Divya, P.I. and Vijayakumar, K.P. (2017). Implementation of Green library techniques for Kerala University Library: A feasibility study. Kelpro Bulletin, 21(2), 110-116.
  3. Fourie, Ina. (2012). A call for libraries to go green: An information behaviour perspective to draw interest from twenty-first century librarians. Library Hi Tech, 30(3), 428-435, doi10.1108/0737883/211266573.
  4. Jones, Louise and Wong, Winky (2016). More than just a green building : Developing green strategies at the Chinese University of Hong Kong Library. Library Management, 37(67), 373-384, doi.10.1108/LM-05-2016-0041.
  5. Khallar, Leena (2015). Redesigning Libraries to Handle the Environmental Challenges of the Future: Green Libraries. In 60th ILA International Conference on Embedded Librarianship and Technological Challenges of the Digital Age, 2015. [Conference Paper].
  6. Rajan, Uma (2015). Environment friendly Library: Green Signal for Green Libraries in Digital Environment. In 60th ILA International Conference on Embedded Librarianship and Technological Challenges of the Digital Age, 2015. [Conference Paper].
  7. Sharma, Saneev Dutt and Vajpa, Vyas Kumar (2015). Green Library : An Overview. In 60th ILA International Conference on Embedded Librarianship and Technological Challenges of the Digital Age, 2015. (Conference Paper).
  8. Yadav, Reshmi and Kaur, Sarbjot (2015). Green Library: A Conceptual Overview: In 60th ILA International Conference on Embedded Librarianship and Technological Challenges of the Digital Age, 2015. [Conference Paper].

____________________

Nguyễn Thị Nga dịch; Bùi Thị Thủy hiệu đính.

Nguồn: https://www.researchgate.net/publication/331319223_Going_Green_Libraries_for_Sustainable_Development