Ngày đăng bài: 20/12/2024 15:57
Lượt xem: 52
Đào tạo truyền thông: Sinh viên nên được tiếp cận nghề nghiệp sớm

Khối ngành truyền thông có hơn 30 trường đại học đào tạo. Vấn đề đặt ra làm sao để đảm bảo quyền lợi sinh viên, tránh chạy theo số lượng tuyển sinh.

Nhiều ý kiến cho rằng các trường cạnh tranh nhau bằng chương trình đào tạo riêng biệt và thực tiễn - Ảnh: M.G.

Sáng 20-12, khoa truyền thông sáng tạo, Trường đại học Nguyễn Tất Thành tổ chức hội thảo "Đào tạo truyền thông trong bối cảnh cạnh tranh". 

PGS.TS Vũ Quang Hào - trưởng khoa truyền thông sáng tạo - chia sẻ truyền thông được coi là một trong những ngành nóng nhất của thế kỷ này.

Theo ông Hào, hiện có hơn 30 cơ sở giáo dục đại học đào tạo khối ngành truyền thông. Ông đặt vấn đề làm thế nào để cạnh tranh lành mạnh và đào tạo hiệu quả, tạo sự khác biệt trong đào tạo.

Nói về việc khối ngành truyền thông thu hút người học, TS Huỳnh Văn Thông - chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, khoa báo chí - truyền thông Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM - cho rằng có nhiều yếu tố.

Theo ông, ngành truyền thông "hot" vì thí sinh trội năng lực khoa học xã hội không có nhiều lựa chọn ngành học, truyền thông là tác nhân gây ảnh hưởng xã hội và thu hút sự chú ý, sự chú trọng truyền thông doanh nghiệp mở rộng cơ hội nghề nghiệp, sinh kế truyền thông đa dạng.

Cũng theo ông Thông, trường công và tư có các chiến lược, lợi thế và quy mô tuyển sinh khác nhau. Để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như cạnh tranh bền vững, ông Thông đề xuất một số giải pháp liên quan đến chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, liên kết với doanh nghiệp...

"Các trường tuyển sinh lớn nên sớm cân nhắc điều chỉnh giảm quy mô để cân bằng mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, tránh những hệ lụy khi bong bóng đào tạo truyền thông bị vỡ. Các trường cũng nên cạnh tranh dựa trên giá trị chương trình đào tạo nổi bật, đội ngũ giảng viên chất lượng. Tránh trường hợp cơ sở vật chất thế kỷ 19, giảng viên thế kỷ 20 dạy sinh viên thế kỷ 21" - ông Thông đề xuất thêm.

Trao đổi tại hội thảo, TS Trần Bá Dung, trưởng khoa marketing - truyền thông Trường đại học Hoa Sen, dẫn các nghiên cứu tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy nhu cầu nhân lực truyền thông - quan hệ công chúng - quảng cáo - marketing rất lớn nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp ít hơn rất nhiều, doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng nhân sự truyền thông.

Đánh giá về sự cạnh tranh trong đào tạo truyền thông, ông Dung cho rằng chương trình đào tạo truyền thông là yếu tố then chốt quyết định sự cạnh tranh của các trường. Ông đưa ra các yếu tố như nội dung đào tạo độc đáo và phù hợp xu hướng, đưa công nghệ tương tác hiện đại vào đào tạo, chương trình học có tính thực tiễn cao, xây dựng mạng lưới kết nối và cơ hội việc làm...

Nhiều đại biểu cũng cho rằng các trường nên điều chỉnh chương trình đào tạo, cho sinh viên sớm tiếp cận nghề nghiệp, tham gia hoạt động truyền thông tại các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Văn Dững - nguyên trưởng khoa báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cho rằng để tạo ra năng lực cạnh tranh riêng, các cơ sở đào tạo nên đào tạo sinh viên có năng lực thiết kế, sáng tạo thông điệp truyền thông. Ngoài ra cũng cần trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng thiết kế, quản trị kế hoạch chiến dịch truyền thông hiệu quả. Yếu tố cuối cùng là đào tạo nhân lực truyền thông xã hội bao gồm kiến thức, kỹ năng tập hợp, vận hành kênh truyền thông xã hội để chủ động khởi nghiệp.

Ở khía cạnh đơn vị truyền thông tham gia đào tạo, nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho rằng trường nào đào tạo đáp ứng được nhu cầu của người học, trường đó sẽ thắng trong sự cạnh tranh.

Ông Trung cũng cho rằng trong bối cảnh công nghệ phát triển, việc đào tạo truyền thông cần hướng đến đào tạo để người học có khả năng chuyển đổi công việc. "Báo Tuổi Trẻ đã tham gia quá trình đào tạo nhân lực ngành truyền thông. Ngoài kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, chúng tôi quan tâm trang bị kỹ năng tự học, làm dự án, nhận thức nghề nghiệp của mình, tự tích lũy được những gì các bạn cần ngay từ năm 1, 2" - ông Trung nói.

Để đào tạo truyền thông hiệu quả, ông Trung đề xuất các trường có thể liên kết mạng lưới đào tạo là cơ quan báo chí, công ty công nghệ đủ mạnh. Thay vì đầu tư cơ sở vật chất, trường có thể liên kết công ty công nghệ. Công ty cũng hỗ trợ công nghệ phát triển cho cơ quan báo chí. Điều này tạo thành chân kiềng trong đào tạo báo chí truyền thông, đáp ứng nhu cầu của người học tốt hơn.

MINH GIẢNG

Nguồn bài viết: https://tuoitre.vn/dao-tao-truyen-thong-sinh-vien-nen-duoc-tiep-can-nghe-nghiep-som-20241220115023379.htm