Bài trích (Tất cả)
Vận dụng phương pháp PECS kết hợp với trò chơi để luyện phát âm cho trẻ 3 – 4 tuổi có rối loạn phổ tự kỉ / Phan Thị Hằng, Nguyễn Thị Hoài Thu, Dư Thống Nhất

Bài viết trình bày kết quả vận dụng phương pháp PECS kết hợp trò chơi để luyện phát âm cho trẻ 3 - 4 tuổi có rối loạn phổ tự kỉ tại trường mầm non hoà nhập. Phương pháp nghiên cứu chủ yếu được sử dụng trong bài viết là phương pháp nghiên cứu định lượng nhằm xác định khả năng phát âm của 4 trẻ có rối loạn phổ tự kỉ trước và sau khi tham gia luyện phát âm kéo dài 1 tháng. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả 4 trẻ đã có những tiến bộ đáng kể về mặt phát âm, thể hiện qua khả năng tự phát âm đúng các từ một cách rõ ràng hơn, với mức độ phát âm cải thiện từ mức độ 4 lên mức độ 3 theo thang đo đánh giá. Nghiên cứu này khẳng định hiệu quả của việc kết hợp phương pháp PECS với trò chơi trong việc luyện phát âm đối với trẻ rối loạn phổ tự kỉ. Việc kết hợp này không chỉ giúp trẻ hứng thú hơn trong quá trình học tập mà còn góp phần nâng cao đáng kể khả năng phát âm, giúp trẻ phát âm rõ ràng, trôi chảy và dễ dàng hơn trong giao tiếp với bạn bè. Phương pháp PECS kết hợp trò chơi giáo dục nên được tích hợp vào giáo dục mầm non, đào tạo giáo viên và hỗ trợ cha mẹ học sinh. Nghiên cứu tiếp theo cần mở rộng quy mô, theo dõi tác động dài hạn, tối ưu hóa trò chơi và so sánh với phương pháp truyền thống.

Vận dụng phương pháp định tính và định lượng xây dựng bộ tiêu chí đánh giá lớp học phần tiếng Anh chuyên ngành 2 – Giao tiếp kinh doanh / Dương Thị Thanh Thuỷ

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí đánh giá lớp học phần cho một học phần ngoại ngữ ở một đại học công lập tại Việt Nam trên cơ sở kế thừa các nghiên cứu trước, tham khảo bộ tiêu chí của các đơn vị trong trường và các trường khác và bối cảnh cụ thể của học phần. Bộ tiêu chí sau đó được đánh giá định tính sử dụng phương pháp chuyên gia và được điều chỉnh theo các góp ý. Bộ tiêu chí sau điều chỉnh tiếp tục được đánh giá định lượng về: (i) độ tin cậy của thang đo; (ii) tính giá trị - thể hiện ở tính đơn hướng và tính hội tụ. Bộ tiêu chí từ 55 biến quan sát rút lại còn 48 biến sau đánh giá định tính và chỉ còn 23 biến sau đánh giá định lượng đáp ứng hai tiêu chuẩn trên.

Vận dụng lý thuyết các giai đoạn của quá trình xử lý thông tin trong dạy học môn giáo dục học cho sinh viên sư phạm Trường Đại học Đồng Nai / Nguyễn Thị Thu Trang

Tiếp cận lý thuyết dạy học - hướng tiếp cận mới về cơ chế học tập của con người - mô tả các giai đoạn của quá trình xử lý thông tin. Tác giả đã phân tích thực trạng giảng dạy tại trường Đại học Đồng Nai, chỉ ra những hạn chế về nội dung chương trình, phương pháp sư phạm và cách thức đánh giá, đồng thời đề xuất quy trình học tập chủ động cho sinh viên. Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết kế hoạt động giảng dạy phù hợp với quá trình nhận thức của sinh viên nhóm ngành sư phạm, giúp sinh viên phát triển năng lực chuyên môn, tư duy phản biện và khả năng tự học. Kết quả nghiên cứu không chỉ đóng góp vào đổi mới phương pháp dạy học mà còn khẳng định tính phù hợp của lý thuyết dạy học với sự phát triển tâm lý cá nhân và môi trường giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi số. Việc vận dụng lý thuyết này hứa hẹn cải thiện và nâng cao chất lượng trong dạy học môn Giáo dục học đáp ứng nhu cầu và động lực học tập của sinh viên sư phạm hiện nay.

Bảo đảm và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo : Xu thế và thực tiễn tại Trường Đại học Xây dựng Miền Tây / Nguyễn Cao Phong, Nguyễn Văn Xuân, Lê Tấn Truyền

Nội dung bài viết, nhóm tác giả đã nghiên cứu một số vấn đề lý luận về công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam cũng như định hướng phát triển của Chính phủ về nội dung này trong thời gian tới, xem đây là xu thế để các cơ sở giáo dục đại học hướng tới công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Nhóm tác giả đã khái quát việc triển khai công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, phân tích các hoạt động bảo đảm chất lượng trong quá trình tổ chức triển khai và nêu rõ về những kết quả, thuận lợi, khó khăn thách thức của trường Đại học Xây dựng Miền Tây. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm thiết lập, duy trì và củng cố công tác bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng chương trình đào tạo cũng như củng cố hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của trường. Trên cơ sở này, các hoạt động đào tạo của trường được thực hiện bảo đảm chất lượng nhằm phản ánh tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và được cán bộ, giảng viên, người lao động, người học theo đuổi triết lý giáo dục mà trường đã tuyên bố “môi trường thân thiện - tri thức khoa học - ứng dụng thực tế”.

Chuyển đổi số tại tỉnh Đồng Nai : Chính sách, thực tiễn và ứng dụng trong giáo dục đại học / Mai Thị Huệ

Thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số được xem là chìa khóa nâng cao hoạt động, gia tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tổ chức thông qua những ưu điểm nổi bật mà nó mang lại như: tối ưu chi phí hoạt động, nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ. Đối với giáo dục đại học nói riêng, chuyển đổi số mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy học, đáp ứng đầy đủ hệ thống đảm bảo chất lượng đào tạo. Trong bài này, bằng cách tiếp cận phi thực nghiệm và sử dụng phương pháp phân tích, tổng hợp tài liệu thứ cấp, tác giả hệ thống hoá một số khái niệm cơ bản của khung lý thuyết chuyển đổi số; phân tích những đặc trưng của chuyển đổi số trong giáo dục đại học; giới thiệu những chủ trương, chính sách của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về triển khai thực hiện chuyển đổi số tại địa phương theo chương trình chuyển đổi số quốc gia; bước đầu nêu lên thực trạng chuyển đổi số và đề xuất một số giải pháp ưu tiên thực hiện chuyển đổi số tại bốn trường đại học trên địa bàn tỉnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Thứ nhất, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã có những bước tiến đáng kể trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, tỉnh vẫn cần khắc phục các thách thức liên quan đến nguồn nhân lực, nhận thức cộng đồng, và hạ tầng tại các vùng xa để tiến tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện. Thứ hai, chuyển đổi số tại các trường đại học ở tỉnh Đồng Nai đã có những tiến bộ đáng kể, đặc biệt là trong việc giảng dạy trực tuyến và quản lý đào tạo. Tuy nhiên, để tiến xa hơn, các trường cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, đào tạo nhân lực và xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện hơn. Điều này sẽ giúp các trường nâng cao chất lượng giáo dục, thúc đẩy nghiên cứu và cải thiện năng lực cạnh tranh trong bối cảnh phát triển giáo dục đại học hiện nay.

Các yếu tố ảnh hưởng đến định hướng giá trị lối sống của sinh viên : Nghiên cứu trường hợp tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh / Đoàn Mai Nguyên, Nguyễn Ngọc Huỳn ...

Định hướng giá trị lối sống của sinh viên đóng vai trò quan trọng trong giáo dục và phát triển con người, định hình sự trưởng thành cá nhân cũng như những đóng góp của họ cho xã hội. Hiểu rõ các yếu tố ảnh hưởng đến giá trị lối sống của sinh viên là điều cần thiết để các trường đại học nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của sinh viên. Nghiên cứu sử dụng phương pháp khảo sát, dữ liệu được thu thập từ mẫu thuận tiện gồm 389 sinh viên Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Phân tích mô tả và tương quan cùng với phân tích nhân tố khẳng định được áp dụng để kiểm tra mối quan hệ giữa các biến số và kiểm nghiệm mô hình đề xuất. Kết quả nghiên cứu cho thấy có năm yếu tố chính ảnh hưởng đến giá trị lối sống của sinh viên: giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường, quan hệ bạn bè, truyền thông và định hướng cá nhân. Các chỉ số thống kê như tải số nhân tố, giá trị riêng và phương sai giải thích đã xác nhận độ tin cậy của mô hình năm nhân tố. Những phát hiện này cung cấp hàm ý quan trọng cho các nhà nghiên cứu giáo dục, quản lý giáo dục và nhà hoạch định chính sách. Chúng góp phần hỗ trợ xây dựng chương trình giảng dạy và chiến lược tổ chức giáo dục nhằm thúc đẩy những giá trị lối sống tích cực trong sinh viên.

Thực trạng quản lý bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm ở trường trung học cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh theo tiếp cận PDCA / Nguyễn Chí Thanh

Bài viết nghiên cứu thực trạng quản lý bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm (GVCN) các trường Trung học ở sở trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh theo tiếp cận PDCA với quy trình 4 bước (lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát và điều chỉnh). Nghiên cứu được tiến hành thông qua phương pháp khảo sát ý kiến của 369 giáo viên và giáo viên chủ nhiệm bằng phương pháp phân tích định lượng dựa trên phần mềm xử lý số liệu SPSS 22.0. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các hoạt động trong công tác quản lý bồi dưỡng GVCN lớp trường THCS trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đều nhận được phản hồi khá tích cực từ các GV và GVCN lớp, trong đó cao nhất là nội dung “tổ chức thực hiện” và thấp nhất là nội dung “kiểm tra giám sát”. Điều này cung cấp cơ sở thực tiễn cho nhà quản lý giáo dục các cấp của TP. Hồ Chí Minh cần có những giải pháp phù hợp để tác động, điều chỉnh nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý bồi dưỡng GVCN trường THCS trên địa bàn thành phố trong giai đoạn hiện nay.

Tầm quan trọng của thiết kế và vận hành chương trình đào tạo theo hướng liên ngành tại trường đại học : Nghiên cứu tổng quan tài liệu hệ thống / Đoàn Thị Minh Thoa Đầu mục:0 Tài liệu số:1

Bài báo này trình bày một tổng quan tài liệu hệ thống (Systematic Literature Review - SLR) về tầm quan trọng của việc thiết kế và vận hành chương trình đào tạo (CTĐT) theo hướng liên ngành tại các trường đại học. Thông qua việc phân tích 46 nghiên cứu được công bố trên các cơ sở dữ liệu uy tín, bài báo khám phá các lợi ích, thách thức và các yếu tố quan trọng trong việc triển khai các chương trình liên ngành. Kết quả SLR cho thấy rằng các CTĐT liên ngành có khả năng thúc đẩy tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề phức tạp, tăng cường kỹ năng hợp tác và giao tiếp, đồng thời chuẩn bị tốt hơn cho sinh viên trong môi trường làm việc đa dạng và thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các khoa, sự linh hoạt trong thiết kế chương trình, đầu tư thích đáng về nguồn lực và cam kết từ nhà trường.

Kinh nghiệm quốc tế về quản lý đào tạo nghề theo hướng gắn kết với doanh nghiệp và bài học đối với Việt Nam / Mai Văn Xuân Đầu mục:0 Tài liệu số:1

Nghiên cứu xác định vai trò của quản lý đào tạo nghề tại các trường cao đẳng theo hướng gắn kết với doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Trên thế giới, có nhiều quốc gia đã chú trọng công tác quản lý đào tạo nghề tại nhà trường và gắn kết với doanh nghiệp như: Na Uy, Đức, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Ôxtrâylia… theo các mô hình, hình thức gắn kết: đào tạo lý thuyết tại trường và thực hành tại doanh nghiệp (mô hình 2+2, 1+3); kết hợp đào tạo lý thuyết, thực hành tại trường và doanh nghiệp đan xen hoặc doanh nghiệp tham gia vào việc thiết kế chương trình đào tạo, cung cấp nguồn tài trợ và thậm chí cung cấp giảng viên; doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về xu hướng mới, công nghệ mới, kĩ năng cần thiết cho người lao động và đánh giá, đề xuất các cải tiến để chương trình đào tạo nhanh và linh hoạt hơn.

Nâng cao ý thức chính trị cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế hiện nay / Lê Văn Thuật Đầu mục:0 Tài liệu số:1

Nâng cao ý thức chính trị cho sinh viên Việt Nam nói chung và cho sinh viên trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nhằm vun đúc lý tưởng cách mạng, củng cố niềm tin của sinh viên đối với sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới. Mặt khác, trong bối cảnh Huế đã chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì vấn đề phân tích, đánh giá đúng thực trạng ý thức chính trị của sinh viên cũng như hoạt động giáo dục ý thức chính trị cho sinh viên trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế càng trở nên cấp thiết, từ đó đề ra các giải pháp giáo dục toàn diện, hiệu quả.