Bài trích (Tất cả)
Thiết kế cấu trúc nano bạc tuần hoàn 2D tạo hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt vùng hồng ngoại gần ứng dụng cho cảm biến / Nguyễn Xuân Bách, Nguyễn Hữu Tư, Phạm Thanh Sơn ...

Trình bày kết quả nghiên cứu lý thuyết và mô phỏng cấu trúc nano bạc (Ag) tuần hoàn 2D tạo hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt vùng hồng ngoại gần. Để làm rõ cơ chế cộng hưởng plasmon bề mặt của cấu trúc, lý thuyết cộng hưởng plasmon bề mặt định xứ và không định xứ đã được trình bày. Phương pháp đạo hàm hữu hạn trong miền thời gian (FDTD) được sử dụng để mô phỏng các tính chất quang của cấu trúc nano Ag sắp xếp tuần hoàn 2D và kiểm chứng kết quả tính toán lý thuyết thu được. Các tính toán, mô phỏng về sự phụ thuộc của cộng hưởng plasmon bề mặt vào chiết suất của môi trường xung quanh cho thấy cấu trúc được đề xuất nhạy với môi trường chất khí, với độ nhạy trung bình 1423,7 nm/RIU (đơn vị chiết suất) và hệ số phẩm chất (FOM) trung bình đặc trưng cho độ chọn lọc là 110,2 RIU-1. Các kết quả tính toán và mô phỏng làm nền tảng cho việc chế tạo các cảm biến chiết suất plasmonic vùng hồng ngoại gần nhạy với sự thay đổi nhỏ của môi trường xung quanh.

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến tính chất của vật liệu phân hủy sinh học chế tạo từ nhựa polyhydroxyalkanoates gia cường cellulose vi khuẩn / Nguyễn Ngọc Diệp, Đoàn Hoàng ... Đầu mục:0 Tài liệu số:0

Trình bày nhằm mục tiêu phát triển các tính chất của nhựa phân hủy sinh học để thay thế nhựa gốc dầu mỏ, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, nghiên cứu này khảo sát các yếu tố ảnh hưởng đến tính chất của vật liệu phân hủy sinh học dựa trên nhựa polyhydroxyalkanoates (PHAs) gia cường sợi cellulose vi khuẩn (BC). Trong khuôn khổ nghiên cứu, hàm lượng chất trợ tương hợp 3-6% và hàm lượng sợi gia cường 2-8% được đưa vào nền nhựa PHA. Hiệu quả của chất trợ tương hợp được đánh giá thông qua độ bền kéo đứt và độ giãn dài khi đứt, ảnh hưởng của hàm lượng sợi gia cường được đánh giá dựa trên tính chất nhiệt, phổ hồng ngoại, độ hấp thụ nước, góc thấm ướt và độ bền kéo. Kết quả khảo sát đã lựa chọn được tỷ lệ trợ tương hợp phù hợp là 5% và tỷ lệ gia cường tối ưu là 4% với các tính chất như: độ bền kéo đứt của vật liệu đạt 12,08 Mpa, độ giãn dài 86%, khả năng hấp thụ nước 0,7%, góc tiếp xúc 82°. Tính chất nhiệt và phổ hồng ngoại của vật liệu ít bị ảnh hưởng bởi hàm lượng gia cường thêm vào. Tối ưu hoá hàm lượng trợ tương hợp và hàm lượng gia cường trong chế tạo vật liệu phân hủy sinh học PHA/BC góp phần làm giảm giá thành và cải thiện được tính chất cơ học của PHA.

Nghiên cứu ảnh hưởng của tiền xử lý lạnh đông và lên men nội sinh đến chất lượng và thời gian chế biến hành đen bằng phương pháp nhiệt ẩm / Trần Phương Chi, Hoàng Thị Lệ Hằng, ...

Nghiên cứu này là xác định các điều kiện tiền xử lý lạnh đông và lên men nội sinh phù hợp (nhiệt độ, thời gian) nhằm phá vỡ cấu trúc tế bào, thúc đẩy các phản ứng do enzym (phản ứng thủy phân các polysaccarit, protein, phản ứng chuyển hóa hợp chất polyphenol ở dạng liên kết sang dạng tự do…), nâng cao hàm lượng các thành phần dinh dưỡng và các hoạt chất trong sản phẩm hành đen và rút ngắn thời gian lên men. Kết quả nghiên cứu đã xác định được điều kiện tiền xử lý lạnh đông ở nhiệt độ -20oC trong 30 giờ, điều kiện lên men nội sinh ở nhiệt độ 45oC trong 2 ngày là phù hợp. Ở các điều kiện này, sản phẩm hành đen đạt chất lượng tốt, tương ứng tổng thời gian lên men rút ngắn xuống 17 ngày so với đối chứng là 24 ngày. Nghiên cứu này bước đầu mang lại tính khả thi cho việc sản xuất hành đen ở quy mô công nghiệp.

Tối ưu hóa một số yếu tố công nghệ tiền xử lý bằng thủy phân enzyme pullulanase kết hợp quá trình thủy nhiệt để sản xuất tinh bột kháng tiêu hóa RS3 từ nguyên liệu bột gạo / P ... Đầu mục:0 Tài liệu số:1

Nghiên cứu này là thực nghiệm đa yếu tố và tối ưu hóa một số yếu tố công nghệ tiền xử lý thủy phân bằng enzyme pullulanase kết hợp quá trình thủy nhiệt để tạo tinh bột kháng tiêu hóa RS3 (tinh bột kháng RS3) từ bột gạo giống lúa IR50404. Kế hoạch thực nghiệm đa yếu tố sử dụng mô hình quy hoạch của Box-Behnken với 3 biến độc lập tương ứng miền biến thiên: nồng độ enzyme pullulanase (1,5-2,5%); nhiệt độ thủy phân (52-58oC); thời gian thủy phân (8-12 giờ). Các hàm mục tiêu gồm: hàm lượng tinh bột kháng RS3 (%), hàm lượng đường khử (%) và độ hòa tan (%).Xử lý số liệu và tối ưu hóa bằng phần mềm Design - Expert 7.1 có sử dụng thuật toán hàm mong đợi với mong muốn hàm lượng tinh bột kháng RS3, hàm lượng đường khử và độ hòa tan đạt giá trị lớn nhất, tương ứng hệ số quan trọng 5/5, 4/5 và 4/5. Kết quả của nghiên cứu đã xác định được chế độ tiền xử lý bằng thủy phân enzyme tối ưu với nồng độ enzyme pullulanase 2,2% ở nhiệt độ 54,4oC trong thời gian 10,4 giờ, tương ứng hàm lượng tinh bột kháng RS3 đạt 47,58±0,22%, hàm lượng đường khử đạt 14,12±0,08% và độ hòa tan đạt 68,52±0,18% sau quá trình thủy nhiệt.

Nghiên cứu thực trạng phát sinh và thu gom chất thải từ vỏ lon nhôm ở các hộ gia đình tại quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội / Bùi Thị Thu Trang, Hoàng Thị Huê, Nguyễn Thị Hồn ... Đầu mục:0 Tài liệu số:1

Trình bày sử dụng phương pháp xác định hệ số phát sinh kết hợp với điều tra xã hội học và khảo sát thực địa để nghiên cứu thực trạng phát sinh, thu gom chất thải từ vỏ lon nhôm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, vỏ lon nhôm chiếm khoảng 1% tổng lượng chất thải sinh hoạt của các hộ gia đình. Hệ số phát sinh chất thải vỏ lon nhôm là 0,0012 kg/người/ngày. Với dân số năm 2021 của quận Bắc Từ Liêm là 340.605 người, khối lượng chất thải vỏ lon nhôm là 408,726 kg/ngày. Quá trình điều tra khảo sát cho thấy, vấn đề chất thải vỏ lon nhôm vẫn chưa được quản lý và giải quyết triệt để, địa phương chưa có văn bản quy định cụ thể trong quản lý chất thải vỏ lon nhôm, kinh phí để tổ chức các hoạt động liên quan còn hạn chế. Hầu hết người dân đều nhận thức được trách nhiệm phân loại chất thải vỏ lon nhôm của hộ gia đình (80%) nhưng chưa thực hiện đầy đủ và triệt để. 77% số người được hỏi cho rằng việc thu gom chất thải rắn (CTR) sinh hoạt hiện nay đã đảm bảo vệ sinh môi trường. Tỷ lệ người dân cho rằng tái chế vỏ lon nhôm giúp bảo vệ môi trường chiếm 94%. Về việc sẵn sàng tham gia các hoạt động giảm thiểu chất thải vỏ lon nhôm tại địa phương, số người đồng ý tham gia chiếm 70%. Mức độ sẵn sàng mua các sản phẩm làm từ nhôm tái chế của người dân là 94%.

Phát xạ hồng ngoại gần của vật liệu Li2ZnSn2O6 pha tạp Cr / Phạm Thị Lan Hương, Nguyễn Vân Giang, Hoàng Quang Bắc..[ và những người khác] Đầu mục:0 Tài liệu số:1

Nghiên cứu này, vật liệu huỳnh quang Li2ZnSn2O6 pha tạp Cr3+ (Li2ZnSn2O6:Cr3+) phát xạ rộng vùng hồng ngoại gần được chế tạo bằng phương pháp phản ứng pha rắn. Kết quả phân tích XRD cho thấy, vật liệu Li2ZnSn2O6:Cr3+ được hình thành đơn pha khi nung ở nhiệt độ 950 và 1050oC và hai pha Li2ZnSn2O6-SnO2 khi nhiệt độ nung lớn hơn 1050oC. Ảnh FESEM cho thấy, hình thái bề mặt của vật liệu nung ở 950oC có dạng hạt với kích thước khoảng 100-300 nm và kích thước hạt ∼1 μm ở 1200oC. Kết quả phổ kích thích phát quang (PLE) và phổ huỳnh quang (PL) cho thấy, vật liệu hấp thu trong vùng 260-500 nm, phổ phát xạ mạnh trong dải bước sóng rộng từ vùng đỏ đến hồng ngoại gần với bước sóng cực đại tương ứng tại 797 nm. Dưới điều kiện thực nghiệm, phát xạ NIR với cường độ mạnh nhất được quan sát trong mẫu Li2ZnSn2O6:0,7%Cr3+ và ủ tại 1050°C thời gian 5 giờ trong môi trường không khí. Các kết quả của nghiên cứu cho thấy vật liệu Li2ZnSn2O6:Cr3+ có tiềm năng ứng dụng lớn trong chế tạo đèn NIR LEDs.

Phát triển cảm biến điện hóa PANI-CNT mang xúc tác NiO ứng dụng trong phát hiện methanol / Nguyễn Thị Thơm, Phạm Thị Năm, Trương Thị Nam..[và những người khác] Đầu mục:0 Tài liệu số:1

Trình bày việc phát triển các thiết bị có thể phân tích nhanh hàm lượng methanol trong đồ uống có cồn và nhiên liệu xăng đang là vấn đề cần được quan tâm ở nhiều nước đang phát triển. Trong nghiên cứu này, điện cực FTO được biến tính bằng polianilin-ống nano carbon (PANI-CNT) và cố định NiO lên bề mặt bằng phương pháp điện hóa. Điện cực này được ứng dụng làm cảm biến phát hiện nhanh methanol trong nước. Điện cực cảm biến NiO/PANI-CNT/FTO chế tạo được có cấu trúc xốp và thể hiện hoạt tính xúc tác tốt đối với phản ứng ôxy hóa trực tiếp methanol với hai vùng tuyến tính rộng (0-300 mM), độ chọn lọc, độ nhạy cao với methanol. Kết quả này hứa hẹn khả năng ứng dụng cao của điện cực cảm biến chế tạo được cho việc phát hiện MeOH trong nước với độ nhạy và độ chọn lọc cao.

Nghiên cứu, thiết kế máy tự động cắt thuốc phóng NDSI-2K và ΦCΓ-2.B41M / Lê Văn Thuận, Đào Việt Hải, Nguyễn Thái Hợp Đầu mục:0 Tài liệu số:1

Nghiên cứu, thiết kế máy tự động cắt thuốc phóng NDSI-2K và ΦCΓ-2.B41M sử dụng cho dây chuyền sản xuất thuốc phóng hai gốc hình ống của Nhà máy Z195, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Phương pháp truyền thống hiện nay đang sử dụng là phương pháp thủ công, sử dụng lực đạp chân của công nhân thông qua hệ thống dẫn động cơ khí để kéo dao cắt chuyển động xuống cắt thuốc, tốn nhiều thời gian, nhân công và chất lượng sản phẩm không cao, thường phải tiện lại mặt đầu sau khi cắt để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Với giải pháp mới, thuốc phóng được cắt tự động, nhanh chóng, an toàn và chính xác; việc tuyển chọn thuốc phóng thông qua hệ thống băng tải cân, dựa trên nguyên lý phân loại theo trọng lượng. Toàn bộ quá trình làm việc được điều khiển, kiểm soát bởi hệ thống cảm biến, bộ điều khiển logic lập trình PLC thông qua máy tính giám sát đặt tại phòng điều khiển. Dữ liệu có thể lưu trữ và trích xuất báo cáo định kỳ.

Phân lập, tuyển chọn và định danh xạ khuẩn (Actinobacteria) cộng sinh với hải miên ở vùng biển Kiên Giang có khả năng kháng Staphylococcus aureus / Trần Vũ Phương, Cao Ngọc Đi ... Đầu mục:0 Tài liệu số:1

Nghiên cứu này được thực hiện nhằm phân lập, tuyển chọn và định danh một số chủng xạ khuẩn (vi khuẩn sợi - Actinobacteria) cộng sinh với hải miên ở vùng biển Kiên Giang có khả năng kháng Staphylococcus aureus. Xạ khuẩn được phân lập trên môi trường Starch Casein Agar và được đánh giá khả năng kháng khuẩn bằng phương pháp khuếch tán giếng thạch. Tổng cộng có 198 chủng xạ khuẩn được phân lập từ 63 mẫu hải miên ở vùng biển Kiên Giang, Việt Nam. Kết quả khảo sát khả năng kháng khuẩn cho thấy, có 22 chủng có tính kháng S. aureus. Dựa theo thang đánh giá mức độ kháng khuẩn, có 01 chủng kháng mạnh, chiếm tỷ lệ 4,5%; 12 chủng kháng mức độ trung bình, chiếm 54,5% và 09 chủng kháng mức độ yếu, chiếm 40,9%. Bằng kỹ thuật PCR và giải trình tự đoạn gen 16S rRNA với cặp mồi SC-Act-0235-aS-20 và SC-Act-0878-aA-19, đã định danh được 06 chủng xạ khuẩn có khả năng kháng S. aureus tốt nhất là Streptomyces variabilis (N10b), Streptomyces ambofaciens (N1a), Streptomyces recifensis (N5c), Streptomyces griseoaurantiacus (H6b), Gordonia bronchialis (H6a) và Microbacterium binotii (HD2.3

Nghiên cứu tăng cường khả năng sinh astaxanthin ở nấm men Rhodosporidium toruloides sử dụng tác nhân gây đột biến benomyl và đánh giá hoạt tính bắt gốc tự do ABTS của astaxant ... Đầu mục:0 Tài liệu số:1

Nghiên cứu này sử dụng tác nhân ngẫu nhiên là chất diệt nấm benomyl để tăng cường sinh tổng hợp astaxanthin từ chủng nấm men Rhodosporidium toruloides. Benomyl đã cho hiệu quả gây đột biến tăng cường sinh astaxanthin ở các nồng độ thử nghiệm. Trong số các chủng đột biến được sàng lọc, chủng nấm men đã đột biến B18 (1138,51 µg/l) cho khả năng tích luỹ astaxanthin cao hơn 3,1 lần so với chủng bố mẹ. Chủng B18 có thời gian pha lag ngắn khoảng 5 giờ nuôi cấy và đi vào pha cân bằng sau 33 giờ, kéo dài trong 30 giờ và vào pha suy tàn sau 63 giờ lên men. Sau 96 giờ lên men là thời điểm hàm lượng astaxanthin tích lũy cao nhất, đạt 1138 µg/l. Kết quả thể hiện cao chiết astaxanthin thu được từ chủng B18 đột biến có khả năng dập tắt gốc tự do 2,2′-azinobis-(3-ethylbenzothiazoline-6-sulfonic acid) (ABTS) (IC50=8,531 µg/ml) cao gấp 6,2 lần so với vitamin E.